HomeNhà CửaPhòng Giặt Là12 lưu ý khi thiết kế phòng giặt là.

12 lưu ý khi thiết kế phòng giặt là.

Tối ưu phòng giặt là (giặt ủi) hay khu vực giặt phơi là một trong những việc khó, đặc biệt với người chưa có kinh nghiệm. Dưới đây là những bí quyết được chia sẻ bởi các chuyên gia thiết kế nội thất trong việc thiết kế phòng giặt là, hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn đưa ra một thiết kế phù hợp, hoặc ít nhất là giúp bạn hiểu vấn đề hơn để dễ làm việc với đơn vị thiết kế và thi công nội thất.


1. Thiết kế mặt bàn quầy đủ sâu.

Sai lầm lớn nhất mọi người mắc phải khi thiết kế phòng giặt phơi là làm một mặt bàn quá hẹp. Kết quả là máy giặt và máy sấy đặt dưới gầm bàn bị lòi ra ngoài, rất thiếu thẩm mĩ và trông lộn xộn.

Các chuyên gia đề xuất độ sâu mặt bàn tối thiểu là 26 inch (~66cm) để đảm bảo rằng các thiết bị có thể nằm gọn bên dưới gầm bàn.


2. Các tủ gắn tường nên có cánh đóng kín.

Hầu hết các vật dụng bạn cất trong phòng giặt, chẳng hạn như các sản phẩm tẩy rửa, là những thứ bạn muốn che đi hơn là để ra ngoài trưng bày. Do đó, nên ưu tiên tủ đóng hơn kệ mở trong khu vực giặt là.

Bạn cũng nên thiết kế các tủ trên cao có kích thước khá để tăng thêm không gian lưu trữ, vì ngoài các sản phẩm tẩy rửa, đây thường là nơi bạn sẽ cất trữ kha khá các vật dụng như máy hút bụi, giẻ lau, chổi và bàn ủi.

Để tăng tính thẩm mỹ cho khu giặt là, bạn có thể muốn một số ngăn kệ mở để trưng bày, nhưng tốt nhất nên sử dụng chỉ một phần không gian nhỏ cho các ngăn kệ, để không ảnh hưởng đến không gian lưu trữ tổng thể.


3. Chọn vật liệu cứng và bền.

Với mặt bàn quầy, cần đảm bảo chịu được tác dụng của hóa chất, nhiệt của bàn là. Vậy nên vật liệu phù hợp nhất để làm mặt bàn là đá. Các loại đá này cũng chính là đá hay dùng thi công bàn bếp và bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhà cung cấp và đơn vị thi công.

Tất nhiên bạn cũng có thể sử dụng mặt bàn gỗ nếu bạn yêu thích chất liệu gỗ, nhưng nhớ làm mặt bàn đủ dày và cứng, đồng thời cân nhắc việc không sử dụng bàn là trên mặt bàn gỗ vì nhiệt có thể làm hỏng lớp sơn hoặc tạo ra sự co giãn, cong vênh. Sử dụng gỗ cũng thường tốn kém, có nguy cơ ẩm mốc và ngấm nước, nên bạn phải chú ý giữ không gian phòng giặt ủi khô thoáng.

Bạn cũng nên chọn vật liệu cứng cho tủ, ngoài ra nên chọn vật loại có thể chịu nước, độ ẩm.

Phần sàn tất nhiên là nên lát gạch thay vì sử dụng sàn gỗ. Bạn cũng cần cân nhắc sử dụng các loại gạch lát chống trơn trượt và dễ vệ sinh.


4. Ưu tiên những thiết bị nhỏ gọn nếu khu vực giặt là của bạn nhỏ.

Với không gian nhỏ thì bạn cần xem xét những thiết bị nào có thể chọn loại kích thước nhỏ mà không ảnh hưởng tới hiệu năng. Ví dụ, để tăng chiều dài bàn quầy thì bạn phải giảm diện tích dành cho bồn rửa, khi đó bạn có thể chọn loại bồn rửa nhỏ hơn nhưng có chiều sâu lớn hơn.


5. Xác định và đo lường kích thước những thứ bạn dự định chứa trong phòng giặt là.

Để xác định được kích thước hợp lí của các tủ và kệ trong phòng giặt là, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định xem mình sẽ chứa đựng những gì và kích thước của chúng là bao nhiêu.

Sự đánh giá này cũng giúp bạn phân phối không gian cho từng loại đồ dùng, dụng cụ và sản phẩm bạn dự định sẽ cất trữ trong phòng giặt là.

Có một ý tưởng rõ ràng về những gì bạn cần lưu trữ sẽ đảm bảo rằng các nhu cầu cụ thể của bạn được đáp ứng tốt trong quá trình sử dụng.


6. Cân nhắc kỹ vị trí đặt phòng giặt là của bạn.

Khi suy nghĩ về cách bố trí và chọn vị trí đặt phòng giặt là của bạn, đừng quên tính đến nhu cầu tiếp cận các khu vực liên quan. Ví dụ, bạn có cần phòng giặt là gần cửa ngoài để bạn dễ dàng đến chỗ phơi quần áo ngoài trời không? Bạn có cất giữ các thiết bị nhà bếp trong phòng giặt là và cần nó cũng phải gần với nhà bếp?

Bạn cũng nên xem xét vấn đề mở rộng không gian lưu trữ bổ sung. Chẳng hạn, khi đồ giặt sẽ tăng gấp đôi ba lần làm đầy cả phòng giặt thì bạn có cần một nơi nào đó để tạm thời cất trữ giày và quần áo bẩn trong thời gian chờ xử lí không?

Vấn đề ánh sáng cũng rất quan trọng, nếu có thể bạn hãy tạo những cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng tự nhiên giúp phòng giặt là đủ sáng, khô thoáng và tiết kiệm điện năng.


7. Bạn có cần không gian chứa đồ gấp hoặc đồ treo móc không?

Bạn sẽ ủi quần áo trong phòng giặt và cần không gian cho bàn ủi? Bạn có muốn một nơi nào đó bằng phẳng để đặt những bộ quần áo đã được ủi và gấp lại, hay một thanh ray để treo chúng lên không?

Nếu không gian chật hẹp và bạn phải ủi thường xuyên, hãy cân nhắc đến một chiếc bàn ủi gấp để bạn có thể cất đi khi không sử dụng.


8. Chọn kiểu cửa phù hợp cho khu giặt là.

Cửa xoay bản lề là kiểu tiết kiệm chi phí nhất. Tuy nhiên, nó không phải lúc nào cũng phù hợp, đặc biệt là trong một khu giặt là diện tích nhỏ, sẽ không còn không gian để cánh cửa xoay hoạt động hiệu quả.

Vậy nên trong một khu giặt là nhỏ, nếu cần bạn hãy cân nhắc kiểu cửa trượt hoặc kiểu hai cánh để chiếm không gian tối thiểu khi mở cửa.


9. Đừng quên ổ cắm điện.

Khi lập kế hoạch cho khu vực giặt là, hãy cân nhắc xem bạn sẽ sử dụng thiết bị nào, đảm bảo rằng bạn có đủ ổ cắm điện và chúng được đặt ở đúng vị trí. Ngoài ổ cắm điện cho máy giặt và máy sấy, hãy cân nhắc những ổ cắm bạn có thể cần cho các thiết bị đặt trên mặt bàn hoặc bàn ủi.


10. Thiết lập vị trí đặt cặp máy giặt – máy sấy phù hợp.

Thiết lập vị trí kiểu máy giặt và máy sấy cửa trước xếp chồng lên nhau là một lựa chọn tiết kiệm không gian tốt cho các khu vực giặt là nhỏ. Nhưng lưu ý rằng không phải tất cả máy giặt và máy sấy đều có thể xếp chồng lên nhau – một số máy quá nặng và cần được lắp đặt dưới sàn. Bạn nên tham khảo thông tin sản phẩm để biết rõ đặc điểm này và đưa ra cách sắp xếp vị trí phù hợp.

Nếu bạn sử dụng máy cửa trên, hãy nhớ rằng bạn sẽ cần có đủ không gian phía trên để có thể mở nắp.


11. Cân nhắc nhu cầu tương lai của bạn khi chọn công suất máy giặt.

Vì máy giặt không phải là thứ bạn mua thường xuyên, nên điều quan trọng là phải xem xét nhu cầu tương lai của bạn khi chọn công suất. Gia đình bạn sẽ có thêm người trong những năm tới và bạn có cần một chiếc máy công suất lớn hơn không? Máy có công suất lớn hơn cũng có ưu điểm là cho phép bạn giặt một lượng đồ nhiều hơn, điều đó giúp giảm số lần giặt xuống và tiết kiệm được thời gian.

Nếu bạn đang mua một chiếc máy giặt có công suất lớn hơn nhu cầu hiện tại của mình, bạn nên tìm kiếm một kiểu máy có tính năng cảm biến tự động, nó sẽ tự động điều chỉnh lượng nước và thời gian thực hiện các chu trình cho phù hợp với lượng đồ giặt để tiết kiệm điện.


12. Cân nhắc vấn đề thông gió khi chọn máy sấy.

Hiệu quả sử dụng năng lượng không phải là yếu tố duy nhất cần quan tâm khi chọn mua máy sấy quần áo – bạn cũng sẽ cần tìm hiểu liệu nó có yêu cầu trang bị đường ống thông gió hay không.

Máy sấy bơm nhiệt là kiểu hiệu quả nhất và không cần lỗ thông hơi, phù hợp với các căn hộ chung cư hoặc khi khu giặt là ở vị trí giữa nhà.

Máy sấy ngưng tụ khá tiết kiệm năng lượng và cũng không cần thông hơi. Tuy nhiên, chúng tạo ra một lượng nhỏ hơi ẩm khi hoạt động, vì vậy không thể được lắp đặt bên trong tủ quầy và máy sẽ không thể ẩn đi.

Máy sấy thông hơi truyền thống tiêu tốn năng lượng hơn. Chúng cũng cần được lắp đặt ở nơi thông gió tốt hoặc được đặt ống dẫn ra bên ngoài. Nếu không, nấm mốc có thể phát triển trên tường phòng giặt là.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!