Ngoài vẻ đẹp cảnh quan, vườn cũng phải làm cho người ta cảm thấy dễ chịu khi dạo chơi bên trong. Vườn là nơi để thư giãn, đường đi lối lại cần thuận tiện cho việc di chuyển và không gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, duy trì. Lối đi và các cấu trúc trong vườn phải đơn giản và mang tính điều hướng. Dưới đây là 15 nguyên tắc thiết thực giúp tạo ra những khu vườn thú vị, đáng sống.

1. Lối đi phải đủ rộng.

Đảm bảo lối đi trong vườn phải đủ rộng để đi lại thoải mái. Dù trong nhà hay ngoài trời, không ai thích chui qua những không gian hẹp. Đường chính phải đủ rộng cho ít nhất hai người đi bộ cạnh nhau, chiều rộng khuyến khích là không dưới 1,5m. Đối với các lối đi phụ nơi mọi người đi độc lập, chiều rộng ít nhất phải là 90cm.

Hãy nhớ rằng cây trồng hoặc công trình kiến ​​trúc bên cạnh lối đi càng cao thì lối đi càng phải rộng.

Lối đi chính trong vườn nên lớn hơn 1.5m
Các lối đi phụ nên có chiều rộng tối thiểu 90 cm

2. Kích thước bậc thang phù hợp.

Các bậc thang, cầu thang phải giúp việc lên xuống nhẹ nhàng và thoải mái.

Bậc thang cao 16cm trở xuống sẽ đảm bảo việc di chuyển dễ dàng. Chiều sâu (bề mặt) của bậc thang nên theo công thức: Chiều sâu + 2 lần chiều cao = 66cm. Ví dụ, chiều cao của bậc là 16 thì chiều sâu của bậc sẽ là: 66 – 16×2 = 34cm.

Nếu vườn có độ dốc và số lượng bậc thang lớn hơn 10 bậc, bạn nên cân nhắc làm chiếu nghỉ sau mỗi 4-5 bậc thang. Chiếu nghỉ nên có chiều sâu tối thiểu bằng bề rộng 1 bậc thang. Bạn cũng cần tạo ra một chiếu nghỉ đủ rộng rãi ở những vị trí cầu thang chuyển hướng.

Bậc thang và chiếu nghỉ trong vườn phải an toàn, thoải mái.

3. Chú ý tới kích thước của hiên, sảnh và sân.

Hiên, sảnh hay sân là khu vực thường tổ chức tiệc ngoài trời. Tùy vào mục đích sử dụng và ước tính số lượng người tham gia mà bạn quyết định về diện tích cũng như trang bị bàn ghế, ô dù… sao cho phù hợp.

Bạn nên dành ra một không gian chừng 90cm xung quanh các bàn ghế, quầy kệ để đảm bảo việc lưu thông được tiện lợi, thoải mái.

Xung quanh các đồ nội thất sân vườn nên có khoảng trống đủ rộng để tiện sinh hoạt và đi lại.

4. Bề mặt sân vườn phải chắc chắn, an toàn.

Hãy đảm bảo lớp nền của sân vườn luôn an toàn, chắc chắn, không lỏng lẻo, lung lay, hay trơn trượt.

Bạn nên tránh lát các loại đá granite bóng hoặc gạch men trơn láng, vì các bề mặt này dễ gây trơn trượt vào mùa mưa hoặc khi có nước đọng bám trên bề mặt.

Bạn có thể lựa chọn các loại gạch lát sân vườn chuyên dụng, hoặc rải sỏi cho lối đi cũng là một phương pháp.

Dù bạn lựa chọn vật liệu lát nền nào, cũng hãy nhớ để lại độ dốc hợp lí (1-2%) để nước không đọng lại trên bề mặt.

Nền sân vườn cần tránh trơn trượt và đọng nước.

5. Chừa lại khoảng trống dưới vòm và giàn cây.

Hãy luôn nhớ để lại khoảng trống dưới các vòm hay giàn cây. Chiều cao tối thiểu để bạn di chuyển mà không va vướng đầu là khoảng 2,1m. Do đó nếu trên vòm hay giàn bạn trồng cây leo thì nên cộng thêm tối thiểu 50cm. Như vậy chiều cao tối thiểu của vòm cây hay giàn cây leo nên là 2,6m.

Khung giàn leo hay vòm cây cần đủ cao để không vướng víu khi di chuyển qua.

6. Dự tính và lập kế hoạch cho sự phát triển của cây.

Cây cối luôn cần có không gian để phát triển. Nếu bạn nhìn thấy mật độ cây đang hợp lí tại thời điểm hiện tại, thì rất có thể khi chúng to lên sẽ rậm rạp và chật chội. Vì vậy, khi trồng những cây có bộ tán và rễ phát triển rộng theo thời gian, bạn cần tính trước không gian hợp lí dành cho nó.

Hoặc không bạn nên có kế hoạch trước về việc sau này sẽ di rời những cây nào để nhường chỗ cho những cây còn lại.

Khoảng cách cây trồng nên bố trí hợp lí.

7. Giữ khoảng cách.

Nếu cây của bạn phát triển đến chiều cao chừng 70-90cm thì bạn nên đặt nó cách trục giữa của lối đi chừng 60-90cm để tránh cảm giác chật chội.

Với những cây có gai hoặc cây có mùi hắc bạn cũng nên giữ khoảng cách giữa nó với khu vực có nhiều người qua lại. Nếu muốn trồng hoa hồng trên vòm hay giàn hoa, hãy lựa chọn những loại hồng không gai và có hương thơm dễ chịu.

Giữ cho khoảng cách cây với lối đi hợp lí để tạo thuận tiện giao thông trong vườn.

8. Chọn vị trí thích hợp để đặt bãi cỏ.

Bãi cỏ là nơi tuyệt vời để bạn có thể nằm thư giãn hoặc cho trẻ chơi đùa. Tuy hơi tốn công chăm sóc nhưng bề mặt cỏ có độ bền cao so với các loài thực vật khác. Vì vậy hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan. Đừng tốn công chăm cỏ ở một vị trí thiếu vệ sinh và ít khi sử dụng. Nhưng cũng đừng bỏ qua bãi cỏ ở vị trí thích hợp đặt nó, ví dụ như một bãi cỏ xanh mướt sẽ giúp cân bằng và nổi bật lối đi và đường viền bao quanh nó.

Bãi cỏ tạo một bề mặt thoải mái, bền bỉ và dễ chịu.

9. Nhìn xa trông rộng.

Các loài hoa là lựa chọn tuyệt vời để trang điểm cho khu vườn. Nhưng vẻ đẹp của vườn không phải chỉ đến từ hoa. Màu sắc, hình dáng và sự sinh động đôi khi đến từ những tán lá, chùm quả, vỏ cây… Mùa xuân và mùa hè có thể là thời điểm dành cho hoa, nhưng mùa thu và mùa đông là thời điểm của những tán lá đổi màu, hay vẻ đẹp của vỏ và thân cây được phơi bày khi rụng lá.

Chọn đa dạng nhiều loại cây sẽ làm cho khu vườn của bạn sinh động suốt bốn mùa.

Lựa chọn cây trồng đa dạng giúp cho khu vườn sinh động quanh năm.

10. Sử dụng chức năng che nắng, chắn gió của cây.

Không chỉ là thứ dùng để làm đẹp cho khu vườn. Cây cối còn mang cả chức năng khác như tạo bóng râm, che chắn gió hay tạo ra một góc riêng tư. Nếu bạn thấy không gian vườn của mình không đủ chỗ cho một cây lớn, hãy nghĩ tới những hàng cây cao và mảnh như tre, trúc, bách diệp…

Cây tạo bóng râm, che chắn gió cho ngôi nhà.

11. Đặt sẵn đường điện và đường nước ra vườn.

Nếu bạn đang trong giai đoạn thi công sân vườn thì đừng bỏ qua chi tiết này vì chắc chắn sau này bạn không muốn phải đào sân lên để đi đường cấp nước, cấp điện ra vườn. Ngay cả khi bạn không có kế hoạch cấp điện và nước cho vườn tại thời điểm hiện tại thì cũng hãy chôn sẵn ống luồn dây, vì rất có thể sau này bạn sẽ dùng tới nó. Các đường ống nên chôn sâu 45-50cm và chạy dọc theo mép vườn.

Luôn nhớ đi đường điện và nước tưới cho vườn của bạn.

12. Chú ý tới tầm quan sát, an toàn giao thông.

Hãy chắc chắn rằng cây cối hay tường rào của bạn không chắn tầm quan sát khi lái xe ra hoặc vào cổng nhà bạn cũng như nhà hàng xóm. Chỉ nên trồng những cây bụi thấp ở vị trí gần với lề đường. Nếu là một cây to hãy chắc chắn trồng sâu vào trong và xa lề đường để tán cây không gây cản trở tầm nhìn.

Luôn giữ cho cây trồng nhà bạn không ảnh hưởng xấu tới giao thông.

13. Hãy là hàng xóm tốt của nhau.

Hãy xin ý kiến của hàng xóm trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào về cảnh quan ở khu vực giáp ranh hai nhà. Việc bạn trồng cây có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn của hàng xóm và có thể gây mâu thuẫn không đáng có. Đừng khăng khăng rằng “đất của tôi tôi muốn làm gì thì làm” để rồi tạo ra mối quan hệ không mấy tốt đẹp với hàng xóm. Cảnh quan bên ngoài nhà bạn tác động lên cả những người sống xung quanh, vậy nên hãy làm sao để tạo ra một không gian xinh đẹp và hài hòa nhất có thể.

Nhà và vườn của bạn luôn tác động tới cảnh quan xung quanh.

14. Đánh dấu đường điện, nước, khí đốt.

Để tránh đào bới phải các đường ống điện, nước hay khí đốt, bạn nên đánh dấu chúng một cách cẩn thận. Hãy hết sức cẩn trọng vì khắc phục những sự cố vỡ ống hay đứt cáp thường phức tạp và tốn kém.

15. Tuân thủ các nguyên tắc xây dựng cũng như luật xây dựng của địa phương.

Đừng bỏ qua các quy tắc xây dựng áp dụng cho công trình ngoài trời. Chúng được tạo ra để đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh. Các nguyên tắc về chiều cao tối đa, khoảng lùi tối thiểu của hàng rào, cây trồng cũng thường đựơc nêu rõ trong luật xây dựng và có thể thay đổi tùy thuộc vào địa phương, vùng miền.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here