HomeNội ThấtNhà Bếp3 cách bố trí nhà bếp phổ biến và ưu nhược điểm...

3 cách bố trí nhà bếp phổ biến và ưu nhược điểm của chúng

Nếu bạn đang sửa sang lại nhà bếp của mình hoặc thiết kế một cái mới, việc cần làm đầu tiên của bạn là chọn phương án bố trí. Bạn muốn không gian nhà bếp mở hay đóng? Mô hình tam giác quen thuộc (tủ lạnh – bồn rửa – bếp) có là lựa chọn phù hợp nhất với thói quen nấu nướng của bạn? Hay bạn thoải mái hơn nếu bếp chia ra theo từng khu vực làm việc, giúp bạn chuẩn bị và dọn dẹp thực phẩm hiệu quả hơn? Bạn có muốn một thiết kế có phòng chứa đồ dự phòng không? Chỉ bạn mới có thể trả lời những câu hỏi này, nhưng có một điều rõ ràng: Cách bố trí của bạn quyết định cách bạn nấu ăn, sinh hoạt và giao lưu tại không gian bếp. Dưới đây là kiến thức căn bản về ba bố cục nhà bếp phổ biến để giúp bạn chọn ra một bố cục phù hợp nhất cho mình.

Bếp hình chữ U

Nhà bếp hình chữ U phổ biến trong những ngôi nhà cũ, những căn nhà diện tích nhỏ và vừa (chẳng hạn như căn hộ và nhà phố), nhưng bạn cũng có thể tìm thấy chúng trong các tòa nhà hiện đại.

Bếp hình chữ U

Ưu điểm: Nhà bếp hình chữ U sử dụng ba mặt tường, vì vậy thường đảm bảo bạn sẽ có đủ không gian lưu trữ. Trong mô hình này các thiết bị của bạn sẽ gần nhau hơn (đặc biệt là trong những nhà bếp nhỏ), bạn sẽ không phải đi bộ sang phía bên kia của nhà bếp để chuẩn bị hoặc dọn dẹp thực phẩm. Một số chủ nhà thích thiết kế nhà bếp khép kín, và thiết kế hình chữ U sẽ giúp khu nấu nướng tách biệt với khu tiếp khách và ăn uống.

Nhược điểm: Nhà bếp hình chữ U thường gây cảm giác chật chội vì các thiết bị của bạn được đặt gần nhau. Tủ bếp sẽ có nhiều góc, và đồ đạc để trong các góc này hơi bất tiện khi lấy. Bếp thiết kế chữ U thì thường không có đảo bếp (trừ những căn bếp diện tích khá rộng). Một số chủ nhà thích không gian bếp khép kín, nhưng nhiều người khác lại thích không gian mở, đặc biệt là trong xu hướng nhà ở ngày nay. Nhiều nhà bếp hình chữ U có thể gây cảm giác bếp bị cô lập với phần còn lại ngôi nhà. Nếu làm một bếp hình chữ U có diện tích lớn để thoải mái về không gian thì “tam giác làm việc” lại trải rộng ra về khoảng cách, điều này có thể gây mất thời gian di chuyển và tốn nhiều sức lực hơn cho việc làm bếp.

Nếu bạn đang tìm cách biến nhà bếp hình chữ U của mình thành một thiết kế mở, thì việc đập sập một bức tường có thể làm được điều đó. Bạn có thể tạo một đảo bếp với chỗ ngồi kiểu quầy bar sau khi bức tường được loại bỏ và sau đó bếp sẽ được kết nối với các không gian liền kề.

Cải tạo bếp chữ U bằng cách bỏ đi 1 bức tường và vẫn giữ lại phần mặt bàn bếp và tủ bếp dưới.

Bạn cũng có thể thiết kế nhà bếp hình chữ U nhưng chỉ với phần bàn bếp và tủ dưới, còn phía trên thì bỏ đi 1 bức tường và tủ bếp trên (hình phía trên). Không gian sẽ rộng mở hơn, dễ giao tiếp với mọi người khi đang nấu bếp, mà vẫn đảm bảo không gian lưu trữ và chuẩn bị của bếp.

Bếp chữ U kèm đảo bếp.

Một số nhà bếp hình chữ U đủ lớn để bố trí thêm một đảo bếp. Hành lang lối đi giữa các tủ dưới phải rộng ít nhất 90cm để đảm bảo đi lại và không ảnh hưởng tới việc mở các ngăn tủ.


Bếp hình chữ L

Bếp hình chữ L

Kiểu bố trí nhà bếp này quy hoạch không gian bếp vào hai bức tường, tạo thành hình chữ L và thường bao gồm một đảo bếp ở giữa.

Ưu điểm: Bếp hình chữ L mang lại trải nghiệm nấu nướng trong không gian mở. Chúng lý tưởng cho những buổi tụ họp, giao lưu, và biến gian bếp thành nơi quây quần thường xuyên hơn của các thành viên trong nhà. Nhà bếp hình chữ L là bố cục tuyệt vời nhất để kết hợp với đảo bếp, sự kết hợp đó cũng tạo ra không gian lưu trữ rộng rãi và thoải mái.

Nhược điểm: Bạn sẽ cần bổ sung đảo bếp để đảm bảo nhu cầu về không gian làm bếp và lưu trữ vật dụng của bạn. Khoản chi thêm này có thể làm gia tăng ngân sách. Một đảo bếp có thể không phù hợp với thói quen nấu ăn của bạn. Tam giác làm việc được trải rộng hơn trong nhà bếp hình chữ L. Trong khi một số chủ nhà thích sự thoải mái về không gian, những người khác sẽ cảm thấy mệt mỏi khi đi đi lại lại giữa bếp nấu, bồn rửa và tủ lạnh. Nhà bếp hình chữ L cũng thường đòi hỏi nhiều vật liệu hoàn thiện hơn, và chúng có thể có giá cao hơn so với nhà bếp kiểu galley hay nhà bếp hình chữ U nhỏ.

Bếp chữ L kết hợp với bàn ăn thay cho đảo bếp.

Nhà bếp hình chữ L không phải lúc nào cũng cần đảo. Đối với một số người theo phong cách tối giản, quan điểm “less is more”, đảo bếp có thể được loại bỏ và thay vào đó là một chiếc bàn ăn.

Bếp chữ L kết hợp với đảo chữ L.

Bạn cũng có mở rộng không gian lưu trữ và chuẩn bị bằng cách thiết kế một đảo bếp hình chữ L.


Bếp theo phong cách galley.

Bếp kiểu Galley

Bếp kiểu galley là phong cách thiết kế nhà bếp với hai đơn vị tủ song song, tạo thành một hành lang trống ở chính giữa. Thiết kế này bắt nguồn từ cách thiết kế nhà bếp trên các con tàu, nơi mà mọi thứ đều nằm theo một đường thẳng. Bếp kiểu galley là giải pháp tốt cho những không gian nhỏ.

Ưu điểm: Bếp galley tối đa hóa không gian và tạo ra các vùng hiệu quả cho việc nấu nướng. Các thiết bị của bạn được sắp xếp hợp lí và bạn có thể nhanh chóng tiếp cận chúng, điều đó mang đến sự linh hoạt. Bếp Galley có thể “mở” (2 đầu trống) hoặc “đóng” (1 đầu có thể được ngăn lại bằng tủ bếp). Nhà bếp kiểu này thường nhỏ hơn; bạn sẽ không phải tiêu tốn nhiều tiền vào việc hoàn thiện các vật liệu như tủ, mặt bàn…cũng như không tốn nhiều thời gian để dọn dẹp. Tủ bếp vẫn đảm bảo đầy đủ chức năng và dễ tiếp cận.

Nhược điểm: Kích thước nhỏ hơn là ưu điểm nhưng cũng có thể là một nhược điểm. Nếu bạn muốn nhiều không gian lưu trữ và quầy rộng rãi, bạn có thể không tìm thấy điều đó ở thiết kế bếp galley. Đặc biệt không gian phần tủ bếp phía trên có thể bị hạn chế trong một số thiết kế.

Kết luận

Các mô hình nhà bếp không phải là khái niệm đóng. Bạn có thể tùy biến các kiểu nhà bếp chữ U, L và Galley, miễn làm sao nó phù hợp với nhu cầu và thói quen làm bếp của bạn, mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc thiết kế và tính thẩm mỹ. Dưới đây là một vài ví dụ về việc tùy biến căn bếp.

Một đảo bếp di động giúp tăng diện tích lưu trữ và chuẩn bị cho những gian bếp không có đảo bếp cố định.

Một đảo bếp nhỏ có thể thêm không gian lưu trữ và chuẩn bị cho nhà bếp. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn có thể thoải mái di chuyển mà không bị nó làm phiền.

Gian bếp kiểu galley có 1 mặt tường chứa tủ bếp và 1 đảo bếp.

Một phiên bản hiện đại hơn của nhà bếp kiểu galley, một tủ bếp trải dài và cao, kết hợp với một đảo bếp. Loại nhà bếp này là lựa chọn tốt nhất của bạn cho một thiết kế tối giản theo ý tưởng không gian mở.

LivingPlus.vn tổng hợp và biên dịch.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!