HomeĐời SốngHọc TậpBí kíp chấm dứt chuỗi ngày dậm chân tại chỗ

Bí kíp chấm dứt chuỗi ngày dậm chân tại chỗ

Bạn đang có một dự án cần bắt đầu thực hiện? Bạn cần học một kỹ năng mới? Hay đơn giản chỉ là có vài đầu việc bạn cần phải hoàn thành nhưng mãi vẫn dậm chân tại chỗ . Dưới đây là vài chiến lược giúp bạn kết thúc tình trạng dậm chân tại chỗ, khởi động và hoàn thành kế hoạch của mình.

1. Giảm bớt kỳ vọng của bạn

Quản lý kỳ vọng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Để không bị rơi vào cảm giác thất vọng và oán trách bản thân mình vì không hoàn thành mục tiêu đặt ra, hãy tự nhắc mình rằng có nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Điều quan trọng là ta phải giữ được sự bình tĩnh, lạc quan, và tự cân bằng lại kỳ vọng của mình.

Nhiều người có thói quen viết ra một danh sách quá dài những việc cần làm trong ngày. Để rồi khi không thể hoàn thành nó chúng ta lại cảm thấy mình tệ hại và thất vọng về bản thân.

Thay vì viết ra cả đống thứ muốn làm xong trong ngày, bạn hãy giảm sự kỳ vọng và đưa ra một lượng công việc vừa phải – thường là những việc được ưu tiên nhất. Sau khi hoàn thành khối lượng công việc đó, coi như bạn đã hoàn thành kế hoạch của ngày hôm đó. Lúc này cảm giác dễ chịu và tin tưởng vào bản thân của bạn sẽ xuất hiện. Điều đó là vô cùng cần thiết, nó mang lại sự hào hứng để bạn bước tiếp.

Tất nhiên, nếu sau khi hoàn thành lượng công việc trên bạn vẫn còn thời gian, bạn hoàn toàn có thể dành nó để làm thêm các nhiệm vụ khác, nhưng hãy coi như đó là việc “làm thêm”, và nếu có không kịp hoàn thành nó cũng không sao hết.


2. Ghi nhận những thành tích nho nhỏ

Con người thường chú ý đến những điều tiêu cực hơn là điều tích cực. Hãy nhớ tới câu chuyện về “nửa ly nước”. Với người suy nghĩ theo kiểu tiêu cực, họ sẽ nói rằng: “ly nước đã vơi đi một nửa”, nhưng đối với người tư duy tích cực, họ sẽ phát biểu rằng: “ly nước vẫn còn đến một nửa”. Sự tiêu cực làm chúng ta trở nên trì trệ, và cũng khiến ta cảm thấy những gì mình làm được là quá ít, bản thân chúng ta thật chậm chạp và tồi tệ… Suy nghĩ tiêu cực ngăn ta trân trọng và vui vẻ với những gì ta đã làm được.

Phương pháp để chống lại xu hướng tiêu cực là theo dõi và ghi nhận những thành tích nho nhỏ của bạn. Bạn nên làm thao tác ghi nhận này bằng cách viết tay, sử dụng giấy và bút. Vì viết tay là cách giúp bạn ghi nhớ sự việc tốt hơn so với đánh máy. Cụ thể các bước thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ: Nên dùng sổ nhỏ (cỡ A6 hoặc A5) vì như vậy các thành tích của bạn sẽ dễ lấp đầy trang, tránh những khoảng giấy trống làm ta có cảm giác mình làm được quá ít.
  • Viết ra những thành tích nhỏ: Bất cứ khi nào bạn hoàn thành một phần việc gì đó hoặc khi kết thúc buổi làm việc, hãy viết nó ra cuốn “nhật ký thành tích” mà bạn đã chuẩn bị.
  • Nhấn mạnh việc ghi lại những hành động của mình: Điều bạn ghi vào sổ là những hành động của mình chứ không phải những phản hồi hay ý kiến nào của người khác. Ví dụ bạn nên viết là “Tôi đã học được cách làm món Salad Nga” chứ không phải “mọi người khen món Salad Nga tôi làm”. Bởi vì điều cần làm là chú ý tới hành động của mình – điều mình có thể kiểm soát, chứ ko phải phản ứng của người khác – điều bạn không thể kiểm soát.
  • Dù là thành tích rất nhỏ cũng cần ghi lại: Đôi khi bạn nghĩ những thứ bạn làm được quá lặt vặt và không đáng ghi lại, nhưng hãy thay đổi quan điểm đó. Bạn dự định học 50 từ vựng tiếng Anh nhưng lại chỉ học được 10 từ, hay là bạn định hoàn thành 15 trang slide cho bài thuyết trình nhưng lại mới chỉ làm được có 3 trang? Không sao cả, hãy ghi những thành tích đó lại, rồi bạn sẽ thấy chúng lớn dần lên trong nhật ký thành tích của mình.

Khi bạn khám phá một lĩnh vực mới hay bắt đầu học một kỹ năng, bước “nhập môn” này thực sự khó khăn, và việc theo dõi những thành tích nhỏ trong giai đoạn này sẽ giúp bạn giữ vững được tinh thần và duy trì mục tiêu. Bạn sẽ tránh được sự nhụt chí và không bị rơi vào cảm giác sợ hãi, ngập lụt khi hình dung ra khối lượng kiến thức hay công việc khổng lồ ở đang chờ bạn.


3. Tìm một chiến hữu hoặc một hội nhóm

Hành động một mình có thể khiến bạn dễ nuông chiều bản thân, không chịu ép mình vào kỷ luật, hoặc đơn giản chỉ là không có hứng thú để bắt tay vào làm. Vậy nên nếu có thể, bạn hãy tìm tới một người bạn và chia sẻ ý tưởng, kế hoạch hay dự định của mình. Nếu người đó có hứng thú tham gia làm cùng bạn thì thật tuyệt. Nhưng việc họ có tham gia hay không cũng không quá quan trọng, chỉ cần các bạn chia sẻ với nhau về việc mình đang làm, thường xuyên quan tâm cập nhật tiến độ của dự án của nhau, động viên nhau những lúc vướng mắc.

Việc cam kết điều gì đó trước một người bạn hoặc một người thân đáng tin cậy sẽ giúp bạn có động lực thúc đẩy hành động của mình và cố gắng hoàn thành mục tiêu đề ra. Đâu nhất thiết phải đóng vai cao thủ cô đơn làm gì, hãy suy nghĩ luôn xem ai là người bạn có thể gửi gắm và sẻ chia nhé.

Nếu bạn thấy kế hoạch của bạn có thể kể cho một hội bạn thân, hoặc mời họ cùng tham gia thực hiện, vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy làm ngay đi. Việc có một hội nhóm sẽ là cơ hội tốt để bạn tìm kiếm những lời khuyên cũng như sự phản hồi khách quan từ nhiều người. Điều đó sẽ rút ngắn con đường hoàn thành kế hoạch bạn đã đặt ra.

Theo SongYnghiaHon.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!