HomeĐời SốngNghề NghiệpKhám phá đam mê bản thân và từ đó thiết kế cuộc...

Khám phá đam mê bản thân và từ đó thiết kế cuộc đời của bạn.

Trong chúng ta có lẽ ai cũng một vài lần cảm thấy nhàm chán với việc này nhưng lại đầy hứng thú với việc kia. Đôi khi còn trầm trọng hơn khi bạn cảm thấy chán ngấy công việc hiện tại hoặc không còn lấy một chút nào hào hứng với các mục tiêu mình đang theo đuổi. Chúng ta hay nghe thấy những câu:”Hãy làm với tất cả niềm đam mê”; “Không thể tồn tại mà không có đam mê”; “Đừng theo đuổi tiền bạc, hãy theo đuổi đam mê”. Nhưng lại chả mấy ai nói cách một người tìm ra những niềm đam mê của mình, thậm chí chúng ta có thể gọi tên những việc ta thích làm nhưng vẫn không xác định rõ được đam mê thực sự của bản thân là gì. Trong vài viết này LivingPlus xin giới thiệu tới các bạn phương pháp giúp xác định rõ đam mê của bản thân. Việc xác định được rõ khi nào mình yêu thích, đam mê hay cảm thấy bản thân đang làm những điều có ý nghĩa là vô cùng quan trọng. Vì dựa vào đó chúng ta không chỉ có thể xác định nghề nghiệp phù hợp mà còn thiết kế cuộc đời của mình.

Đặt câu hỏi “Tại sao?” là cách tìm ra đam mê của bạn.

Khi bạn thực hiện một hoạt động nào đó và cảm thấy nó có ý nghĩa (mang đến cho bạn niềm vui sướng, hạnh phúc, hứng khởi, tự hào, thấy bản thân mình có giá trị và như được tiếp thêm năng lượng), thì hoạt động hay việc làm đó rất có thể là một phần niềm đam mê của bạn.

Không có một quy luật cụ thể nào cho ta biết một hoạt động có ý nghĩa hay không, nhưng chúng ta thường tự có thể nhận biết được điều đó. Chúng ta có một cách để xác định rõ xem những hoạt động nào mang lại cho ta cảm giác có ý nghĩa, đó là tìm ra những chữ “Tại sao?” của mình.

Việc xác định được những chữ Tại sao của riêng mình chính là tìm ra được những nội lực thúc đẩy đằng sau những niềm đam mê của chúng ta. Càng hiểu rõ về bản thân và những nội lực thúc đẩy mình, chúng ta càng dễ dàng hơn trong việc đưa ra những quyết định về sự nghiệp để không chỉ thỏa mãn mục tiêu tài chính mà còn cho ta cảm giác mình đang chọn đúng nghề và sống có ý nghĩa.

Chúng ta cần hiểu rõ không chỉ việc gì đã mang lại cho chúng ta cảm giác có ý nghĩa, mà còn phải hiểu tại sao những hoạt động này lại tạo ra cảm giác thỏa mãn bản thân ta đến thế.

Việc biết được những từ Tại sao của mình có thể giúp chúng ta tạo ra được một câu chuyện thống nhất xung quanh những sở thích khác nhau và cung cấp một điểm xuất phát để ta cân nhắc lựa chọn sự nghiệp của mình sao cho phù hợp. Ví dụ, nếu ta biết một trong những từ “tại sao” của mình là “biến những thứ phức tạp thành đơn giản” thì có thể ta sẽ hướng tới việc chọn các nghề như đi dạy, vẽ minh họa.

Đọc đến đây có thể bạn bắt đầu sốt ruột khi vẫn chưa thấy phương pháp nào trực quan để thực hiện. Cảm ơn vì sự kiên trì của bạn, và dưới đây là bài thực hành giúp bạn tìm ra những chữ Tại sao của mình.

Khảo sát và tìm ra những chữ “Tại sao” của bạn.

Bạn hãy lấy vài tờ giấy và một cái bút, kiên nhẫn làm lần lượt hết các bước của bài thực hành này, bạn sẽ tìm ra được một vài chữ “Tại sao” của mình.

  1. Hãy nhớ lại một thời điểm, một khoảnh khắc nào đó mà bạn thấy hào hứng, tràn đầy năng lượng, tự hào và hạnh phúc như cá bơi trong nước. Nhớ xem lúc đó bạn đang làm gì hoặc vừa làm xong điều gì, có ai ở đó, môi trường xung quanh bạn như thế nào, bạn càng nhớ chi tiết bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bạn hãy mô tả lại bằng cách viết hết mọi thứ bạn nhớ được ra giấy, thậm chí bạn có thể phác họa thành một bức vẽ nếu bạn muốn. Lần đầu tôi làm bài tập này, hình ảnh bật ra trong đầu tôi là cảnh tôi đang vẽ vời linh tinh và tổ chức các buổi tiệc trà với những con thú nhồi bông của mình ở chiếc bàn tròn bằng gỗ trong nhà bếp khi tôi còn nhỏ. Tôi thường bỏ ra hàng giờ bên chiếc bàn đó.
  2. Một khi bạn xác định được một hoạt động cụ thể nào đó (vd: đọc một cuốn sách về lịch sử và thấy thực sự cuốn hút, nghiền ngẫm một chiến lược bán hàng, tự làm đồ DIY, viết một cuốn tiểu thuyết, tự lắp ghép hay đắp nặn ra các mô hình thiết kế…), giờ hãy nhìn rộng ra, bạn yêu điều gì ở trong hoạt động mà bạn đã nhớ tới? Vì sao bạn bị cuốn hút vào đó? Trong trường hợp của tôi thì điều tôi yêu thích khi ở bên chiếc bàn bếp cùng các con thú bông không phải là vì tôi thích trà đạo hay ẩm thực, mà là hoạt động của sự tưởng tượngsự dàn dựng. Chiếc bàn bếp là nơi tôi đến và đưa ý tưởng của mình vào cuộc sống. Không quan trọng là ý tưởng của tôi biến thành những bức tranh, các cục bột màu tự làm hay dàn ý của những câu chuyện do các nhân vật đồ chơi của tôi sắm vai. Tới tận bây giờ tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và bị thu hút vào những công việc liên quan đến sự tưởng tượngsự dàn dựng. Các công việc của tôi có thể có những cái tên cụ thể như: vẽ tranh, làm phim, viết blog, phát triển cộng đồng… Nhưng mỗi cái công việc cụ thể và chi tiết ấy chỉ đơn giản là một thể hiện khác của sự tưởng tượngsự dàn dựng. Vậy là tôi đã khám phá ra 2 chữ “Tại sao”: sự tưởng tượng và sự dàn dựng khi tôi nhớ về “1 khoảnh khắc” – lúc tôi ở bên chiếc bàn bếp cùng đám đồ chơi của mình.
  3. Lặp lại bước 1 và 2 với ba hoặc năm khoảnh khắc đã khiến bạn tràn đầy năng lượng. Chẳng có vấn đề gì nếu các khoảnh khắc của bạn hoàn toàn khác nhau và các lí do thu hút bạn cũng hoàn toàn khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn với nhau.
  4. Bây giờ trên một trang giấy mới bạn hãy lập ra một danh sách những chữ “Tại sao” mà bạn đã khám phá ra. Chính danh sách này là kim chỉ nam để bạn lựa chọn nghề nghiệp hay thiết kế cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng bạn không nên áp lực khi có nhiều chữ “Tại sao” được tìm ra, bạn không cần phải cố ép mình chỉ chọn lấy một chữ và sống chết với nó, chúng ta hoàn toàn có thể có nhiều đam mê, bạn có thể tìm hiểu thêm về điều này qua bài viết: Bạn không có đam mê? Đừng vội hoang mang về điều đó.
  5. Kiểm tra xem có sự tương đồng nào giữa những khoảnh khắc của bạn hay không? Nếu chúng đều liên quan đến người khác, thì những người đó thế nào? Những khoảnh khắc của bạn xảy ra trong những môi trường tĩnh lặng hay sôi nổi. Một lần nữa, đừng lo lắng nếu những môi trường ấy có vẻ đối lập nhau, vì bạn hoàn toàn có thể có nhiều niềm đam mê và sở thích. Cũng chẳng vấn đề gì nếu bạn vừa thích những hoạt động cá nhân lại vừa thích các hoạt động tập thể.

Bạn đã tìm được những chữ tại sao của mình chưa? Như bài thực hành trên đề cập, để tìm ra được những chữ tại sao của bản thân ta cần nghĩ về những mưu cầu trong quá khứ, những điều mang lại cho ta cảm giác có ý nghĩa. Chúng ta không nên hỏi những hành động đó là gì, mà nên hỏi tại sao chúng ta lại thích chúng. Điều gì trong đó đã thu hút chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy có hứng thú, có ý nghĩa.

Và một điều cuối cùng muốn gửi đến các bạn. Đôi khi chúng ta làm việc chỉ vì tiền, tiền giúp chúng ta trả các hóa đơn và là phương tiện để ta thực hiện những nhu cầu khác, từ đó đem đến niềm vui và hạnh phúc. Và cũng đôi khi chúng ta làm một việc gì đó chỉ vì thấy vui, không quan trọng nó có kiếm ra tiền hay không. Vậy nên chả có gì sai khi ta làm một công việc gì đó chỉ vì tiền hoặc chỉ vì thấy vui, miễn là ta vẫn đủ tiền để trang trải cuộc sống và thấy đời mình có ý nghĩa. Tóm lại là đừng căng thẳng bạn nhé, hãy từ từ khám phá bản thân mình và thay đổi nếu cần thiết, còn nếu bạn đang vui vẻ với công việc và cuộc sống của mình thì hãy cứ tận hưởng thôi.

Nội dung bài viết có tham khảo từ cuốn sách Đa Năng Trong Thế Giới Phẳng của tác giả Emilie Wapnick. Nếu quan tâm bạn có thể tìm và mua sách để khám phá thêm những khía cạnh khác về chủ đề nghề nghiệp.

Theo SongYnghiaHon.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!