HomeĐời SốngGia ĐìnhNgừng khen con thông minh, nếu bạn không muốn chúng ngày càng...

Ngừng khen con thông minh, nếu bạn không muốn chúng ngày càng ngốc ngếch.

Nhiều năm trước đây, người ta ít khi khen ngợi trí thông minh của con cái họ. Họ tin rằng việc chiều chuộng và dành quá nhiều lời khen cho con cái sẽ khiến chúng trở nên kiêu ngạo và dễ tự ái.

Nhưng có một thời kì, nhiều nhà giáo dục sử dụng phương pháp khích lệ trẻ bằng việc tâng bốc chúng, ngợi ca chúng, với khẩu hiệu: “Muốn con bạn thành công, hãy luôn nói rằng chúng thông minh, xuất sắc”. Nhiều thập kỉ sau, ý tưởng này vẫn còn tồn tại. Chúng ta có thể thấy trên các chương trình truyền hình cho trẻ những câu như: “Này, bạn biết không, bạn thực sự rất thông minh.” Nghe rất quen thuộc và bình thường phải không nào? Nhưng thực sự nó là một sai lầm.

Các nhà nghiên cứu giáo dục đã làm nhiều thí nghiệm thực tế để thấy rõ tác hại của cách ngợi khen này. Nói với bọn trẻ rằng chúng thông minh có thể khiến chúng ngày càng trở nên ngốc ngếch. Dưới đây là nhứng lí do và bằng chứng cho điều đó.

Khi bạn khen ngợi về khả năng, trẻ sẽ dần quan tâm tới sự thể hiện hơn là sự học hỏi.

Những đứa trẻ được khen ngợi vì trí thông minh, chúng muốn tiếp tục chứng tỏ bản thân bằng cách làm thật tốt. Điều này nghe thì có vẻ là tích cực, nhưng nó thực sự lại phản tác dụng.

Trong một loạt thí nghiệm mang tính bước ngoặt đối với học sinh tiểu học, các nhà nghiên cứu Claudia Mueller và Carol Dweck nhận thấy rằng những đứa trẻ cư xử rất khác nhau tùy thuộc vào những hình thức khen ngợi mà chúng nhận được.

Những đứa trẻ được khen ngợi về trí thông minh có xu hướng né tránh những thử thách. Thay vào đó, chúng thích những công việc dễ dàng hơn. Chúng cũng quan tâm nhiều hơn đến vị trí (xếp hạng) của mình – so sánh mình với các bạn khác – hơn là quan tâm tới việc học cách cải thiện và nâng cao kỹ năng của mình.

Ngược lại, những đứa trẻ được khen ngợi vì sự nỗ lực lại cho thấy xu hướng tích cực hơn. Chúng thích những nhiệm vụ mang tính thử thách – những nhiệm vụ giúp chúng sẽ học hỏi và hiểu biết thêm. Những đứa trẻ được khen ngợi về nỗ lực thường quan tâm đến việc học các chiến lược mới để thành công, hơn là quan tâm xem những đứa trẻ khác như thế nào.

So với những đứa trẻ được khen ngợi về nỗ lực, những đứa trẻ quen với việc được khen ngợi về trí thông mình hay khả năng của chúng thường có các đặc điểm:

  • Nhiều khả năng bỏ cuộc sau khi thất bại.
  • Hoạt động kém hơn sau khi thất bại.
  • Nói không đúng sự thật về kết quả thực hiện nhiệm vụ khi chúng hoàn thành không tốt (sợ sai, sợ mắc lỗi, sợ phê bình).

Và đó không phải là tất cả. Những đứa trẻ được khen ngợi về trí thông minh có nhiều khả năng coi những thất bại của chúng là bằng chứng chứng tỏ chúng kém thông minh hơn những đứa khác. Chúng có thể tự cho mình là ngu ngốc kém cỏi.

Khi bạn khen trẻ thông minh, trẻ sẽ dần dần coi những thất bại của mình là bằng chứng của sự ngu ngốc.

Bước 1 trong các thí nghiệm của hai nhà nghiên cứu Mueller và Dweck, những đứa trẻ được giao nhiệm vụ giải những câu đố với độ khó vừa phải. Khi mỗi đứa trẻ hoàn thành, chúng sẽ được khen ngợi theo 2 cách:

  • Được khen ngợi vì sự thông minh (“Ồ, con rất thông minh nên mới giải được những câu đố này”)
  • Được khen ngợi vì sự nỗ lực (“Hẳn là con đã rất nỗ lực để có được kết quả này”)

Bước 2, những đứa trẻ được giao cho tập câu đố thứ 2 với mức độ phức tạp cao, hay đúng hơn là rất khó để hoàn thành đối với bọn trẻ. Và sau khi kết thúc quá trình giải đố, những đứa trẻ được yêu cầu giải thích lí do tại sao chúng không hoàn thành được câu hỏi.

Những đứa trẻ từng được khen ngợi về trí thông minh trong lần giải đố thứ nhất cho rằng cho rằng chúng thất bại vì do chúng không đủ thông minh. Còn những đứa trẻ được khen ngợi vì sự nỗ lực ở lần giải đố trước đó, chúng cho rằng thất bại là do chúng chưa đủ cố gắng.

Khi chúng ta khen những đứa trẻ thông minh, chúng ta dạy chúng rằng thành tích của chúng là một bài kiểm tra chắc chắn về trí thông minh. Những đứa trẻ có thể thích những lời khen ngợi ban đầu, nhưng khi chúng gặp phải những thử thách khó khăn sau này thì những lời khen đó sẽ phản tác dụng.

Trẻ nhỏ có động lực khi được khen ngợi, nhưng chúng sẽ làm tốt hơn khi lời khen nhấn mạnh vào sự nỗ lực và cố gắng, hơn là về trí thông minh và khả năng.

Cách khen ngợi đúng đắn

Nói với trẻ rằng chúng thông minh không tốt cho sự phát triển tư duy của trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên khen ngợi con mình. Lời khen luôn tạo động lực cho trẻ (khi bạn khen con thông minh, nó cũng giúp tạo động lực, chỉ có điều nó ko tốt về lâu dài). Những lời khen ngợi đúng cách – khen ngợi về nỗ lực, khen ngợi cụ thể về việc trẻ làm được – sẽ có tác dụng giúp trẻ hình thành quan điểm “có thể làm được” khi trẻ gặp trở ngại.

Ngược lại, khi nói với bọn trẻ rằng chúng thông minh hay tài năng là chúng trở nên sợ hãi trước thất bại. Chúng đã được gắn nhãn “thông minh, tài năng” và chúng không muốn thực hiện các thử thách khó khăn, vì chúng lo nếu không hoàn thành, chúng sẽ bị mất cái nhãn đó.

Hơn nữa, những đứa trẻ được khen ngợi về trí thông minh có xu hướng tin rằng trí thông minh là thứ gì đó bẩm sinh và không thể thay đổi (theo Mueller và Dweck). Kết quả là, những đứa trẻ này trở nên bất lực mỗi khi thất bại. Quan điểm của chúng thường sẽ là: “Nếu bạn thất bại, bạn không được thông minh. Và mọi chuyện kết thúc.”

Nếu chúng ta ghi nhớ những nguyên tắc này, chúng ta sẽ hiểu rõ nên khen trẻ em như thế nào. Thay vì nói với con bạn rằng chúng thông minh hay tài năng, hãy thử những lựa chọn thay thế sau:

  • Khen ngợi con về các chiến lược của chúng (ví dụ: “Con đã tìm ra một cách thực sự tốt để làm điều đó”)
  • Khen ngợi con về công việc cụ thể (ví dụ: “Con đã làm rất tốt với những bài toán đó”)
  • Khen ngợi con vì sự kiên trì hoặc nỗ lực (ví dụ: “Mẹ có thể thấy con đang luyện tập” hay “Sự chăm chỉ của con đã thực sự được đền đáp”)

Khen ngợi trẻ về sự cố gắng (chứ không phải khả năng bẩm sinh) có thể giúp trẻ phát triển tư duy học tập tốt hơn.


Tài liệu tham khảo

Cimpian A, Arce H-M C, Markham EM and Dweck CS. 2007. Subtle linguistic cues affect children’s motivation. Psychological Science: 18(4): 314-316.

Gunderson EA, Gripshover SJ, Romero C, Dweck CS, Goldin-Meadow S, and Levine SC. 2013. Parent praise to 1-3 year-olds predicts children’s motivational frameworks 5 years later. Child Development.

Henderlong J and Lepper MR. 2002. The effects of praise on children’s intrinsic motivation: A review and synthesis. Psychological Bulletin 128(5): 774-795.

Mueller CM and Dweck CS. 1998. Praise for intelligence can undermine children’s motivation and performance. Journal for Personality and Social Psychology 75(1): 33-52

Theo SongYnghiaHon.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!