HomeNội ThấtNhà BếpThiết kế nhà bếp - Các vấn đề phổ biến và cách...

Thiết kế nhà bếp – Các vấn đề phổ biến và cách khắc phục.

Khi nói đến thiết kế nhà bếp, chúng ta thường nhận được những lời phàn nàn tương tự từ chủ nhà về những gì sai hoặc gây khó chịu trong qua trình sử dụng. Các vấn đề đều xuất phát từ việc nhà bếp không được thiết kế phù hợp nhu cầu của chủ nhà.

Nếu bạn thuê những nhà thiết kế giỏi, họ sẽ dành thời gian lấy ý kiến của bạn, xem bạn sống như thế nào trong ngôi nhà của mình; cách bạn sử dụng, hoặc muốn sử dụng nhà bếp của bạn; và về lối sống, thị hiếu và thói quen của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lập danh sách những điều bạn thích và không thích, những điều bạn mong muốn trong nhà bếp, để giúp bạn tránh những vấn đề được nêu dưới đây.

Tất cả những bức ảnh dưới đây dùng để minh họa cho các thiết kế tốt và cách xử lý thành công các vấn đề gặp phải trong thiết kế nhà bếp.


Một gian bếp nhỏ nhưng có thiết kế hợp lí

Không đủ không gian cất trữ đồ dùng

Một trong những lỗi thiết kế nhà bếp phổ biến nhất là không đủ không gian lưu trữ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn và gây bực bội. Tuy nhiên, ngay cả trong những căn bếp thực sự nhỏ, vẫn có thể tạo ra tủ trên và tủ dưới rộng rãi – bạn chỉ cần lập kế hoạch cẩn thận và sử dụng trí tưởng tượng để tối đa hóa không gian.

Ví dụ, trong bức ảnh bên tủ bếp trên được kéo dài tới tận nóc nhà, các ngăn phía trên dùng cất gia vị dự trữ hoặc những dụng cụ không dùng tới thường xuyên. Thiết kế ngăn kéo ở tủ dưới cung cấp khả năng cất trữ những chiếc chảo rộng và dễ lấy hơn so với thiết kế cánh tủ. 

Suy nghĩ cẩn thận về nhu cầu lưu trữ của bạn ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thiết kế để đảm bảo rằng về lâu dài bạn không bị thiếu không gian lưu trữ.


Tủ lạnh, bếp, bồn rửa và các không gian thao tác có vị trí hợp lí, giúp việc làm bếp thuận tiện hơn.

Vị trí đặt các khu vực chức năng không tuân theo quy trình làm bếp.

Một cách bố trí nhà bếp tồi sẽ khiến bạn phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết. Nhà bếp của bạn phải phù hợp với thói quen làm việc của bạn, với quy trình làm việc và bố cục được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cá nhân của bạn.

Để điều này xảy ra, nhà thiết kế của bạn phải hỏi về lối sống, thói quen và yêu cầu nhà bếp của bạn, cũng như có bao nhiêu người sống trong nhà của bạn, những người thích nấu ăn và phong cách nấu ăn ưa thích của bạn là gì. Tất cả thông tin này nên được sử dụng trong việc lập kế hoạch bố trí vị trí đặt bếp nấu, bồn rửa, tủ lạnh…

Trong khi nhiều nhà thiết kế vẫn sử dụng công thức tam giác truyền thống khi thiết kế bếp, tôi nghĩ rằng việc xác định rõ các khu vực nào phục vụ sơ chế, rửa và nấu nướng, có thể đem lại một thiết kế phù hợp với cá nhân chủ nhà và hiệu quả hơn. Cách tiếp cận này cho phép tính linh hoạt trong việc định vị các khu vực khác nhau của nhà bếp.


Nếu có thể nên đặt thêm quầy ở khu vực bếp. Nó giúp mở rộng không gian cho việc chuẩn bị, sơ chế thực phẩm.

Không đủ diện tích mặt bàn, mặt quầy.

Thiếu không gian trên mặt bàn bếp hoặc không đặt quầy ở nơi bạn cần là một lỗi thiết kế phổ biến. Nó cũng là một trong những điều khó chịu nhất, vì mặt bàn, mặt quầy là cần thiết cho mọi hoạt động bạn sẽ thực hiện trong nhà bếp.

Một sai lầm phổ biến là không để lại đủ không gian bên cạnh (hoặc đối diện) với bếp nấu, lò nướng hoặc tủ lạnh. Với tủ lạnh, không gian quầy này chỉ đơn thuần là thuận tiện, nhưng không gian bên cạnh (hoặc đối diện) với lò nướng và bếp nấu là rất quan trọng để đảm bảo an toàn. Nếu không có phần không gian này bạn sẽ phải mang thức ăn nóng vừa lấy từ lò và di chuyển tới một vị trí khác để đặt nó xuống.

Trong khi lập kế hoạch, điều quan trọng là phải suy nghĩ về tất cả các cách bạn hiện đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng mặt bàn, mặt quầy của bạn. Ví dụ: bạn có thể muốn có không gian cho nhiều người nấu ăn cùng một lúc hoặc có thể là một khu vực cho phép một người khác có thể ngồi và trò chuyện với bạn trong khi bạn nấu ăn.


Hành lang đủ rộng, tủ lạnh ở phía ngoài, tạo thuận lợi cho quá trình di chuyển và lấy đồ.

Hành lang khu vực bếp.

Hành lang (lối đi) khu bếp nếu có thể nên đủ để 2 người có thể đứng quay lưng vào nhau hoặc tránh nhau, điều này giúp cho việc di chuyển được thuận tiện và dễ dàng khi cùng lúc có 2 người làm bếp. Điều này cũng tốt cho những bà nội trợ có con nhỏ, vì con cái của bạn sẽ có thể chạy tới bên bạn khi đang làm bếp, nếu hành lang quá chật hẹp bọn trẻ có thể phải len lỏi và dễ xảy ra va chạm. Và tất nhiên, hàng lang rộng giúp bạn cũng dễ xoay xở hơn khi vừa nấu ăn phải chăm lo bọn trẻ.

Bạn cũng nên chú ý các thiết bị được sử dụng thường xuyên, chẳng hạn như tủ lạnh, nên ở gần phía ngoài nhà bếp, như vậy các thành viên khác trong gia đình vẫn có thể lấy đồ ra khỏi tủ mà không cần phải vào sâu trong bếp hoàn toàn.


Bạn hãy luôn nhớ tạo ra khoảng cách hợp lí giữa các bộ phận, thiết bị nhà bếp.

Tủ bếp và các thiết bị có khoảng cách không hợp lý.

Tủ bếp và thiết bị dù được đặt ở vị trí tốt để dễ sử dụng nhưng cũng phải có khoảng cách hợp lý. Ví dụ, lối đi phải rộng khoảng 90-100cm để cửa và ngăn kéo có thể mở ra mà không kích vào phía đối diện.

Tương tự, chúng không nên quá xa nhau: Để quy trình làm việc suôn sẻ, bạn không phải di chuyển giữa các thiết bị nhiều hơn mức cần thiết. 

Cũng nên chú ý về cách các cánh tủ lạnh, tủ bếp mở ra; các thao tác với thiết bị, làm sao luôn thuận tay, thuận chiều, dễ dàng sử dụng nhất có thể. Mọi thứ cần hài hòa với không gian bếp xung quanh.

Điều quan trọng cần chú ý là không đặt lò nướng âm tường và lò vi sóng quá cao, vì như vậy bạn không thể lấy thức ăn nóng ra khỏi chúng một cách an toàn.


Nên đầu tư một máy hút mùi tốt, đủ công suất và vận hành êm ái.

Nhà bếp thông gió kém, hệ thống hút mùi không hiệu quả.

Yếu tố thông gió ít được mọi người chú ý khi thiết kế nhà bếp, nhưng chính nó lại gây ra những vấn đề lớn về vệ sinh và mỹ quan. Một căn bếp bí bách thường dễ bị ẩm mốc, bốc mùi và là nơi vi khuẩn trú ngụ.

Trước tiên bạn cần lưu ý vị trí đặt nhà bếp. Nếu có thể thì nên đặt nhà bếp ở vị trí về các góc, các cạnh của ngôi nhà, giáp với tường bao. Vì khi đó mùi thức ăn có thể được phân tán bớt ra bên ngoài qua những cánh cửa nối thông bếp với bên ngoài nhà. Sau đó là nên đầu tư một máy hút mùi loại tốt, đủ công suất và vận hành êm ái.

Một máy hút mùi tốt giúp loại bỏ dầu mỡ, hơi nước và mùi thức ăn. Nếu không, những thứ này có thể bám vào bạn, quần áo của bạn hoặc bất kỳ đồ đạc nào, điều này đặc biệt khó chịu khi bếp nối liền với phòng khách hoặc các khu vực khác bên trong ngôi nhà.

Yếu tố vận hành êm ái cũng cần được quan tâm, đặc biệt là trong thiết kế có không gian mở, khách khứa vẫn có thể nói chuyện và xem tivi thoải mái trong phòng khách khi chủ nhà đang nấu ăn ở gian bếp ngay cạnh đó.

Kích thước ống hút cũng là yếu tố quan trọng. Nó phải vừa với máy hút mùi mà bạn đã chọn. Điều này sẽ làm cho máy hút chạy êm hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và ít nguy cơ bị hỏng hóc. 


Nhà bếp cần lấy được ánh sáng tự nhiên và bổ sung đèn ở các vị trí cần thiết.

Không đủ ánh sáng

Ánh sáng tự nhiên luôn là nguồn sáng ưu tiên được đưa vào gian bếp. Ánh mặt trời giúp cho nhà bếp luôn khô thoáng. Tuy nhiên gian bếp luôn cần đèn chiếu sáng bổ sung. Vì không chỉ sử dụng vào buổi tối mà đôi khi vào thời điểm ban ngày một số vị trí không đủ ánh sáng tự nhiên.

Đèn chiếu sáng làm sao phải tập trung ánh sáng vào các vị trí cụ thể. Chủ yếu là những khu vực bạn đang chuẩn bị và nấu thức ăn, chẳng hạn như khu vực bàn bếp, bếp nấu và bồn rửa.

Các quầy được sử dụng để chuẩn bị thực phẩm thường được đặt ngay dưới tủ trên, vì vậy nếu không có đèn chiếu sáng bổ sung ở đây, các tủ này có thể dễ dàng đổ bóng và làm tối bề mặt, khiến việc cắt, thái và chế biến thực phẩm trở nên khó khăn, hoặc thậm chí có thể nguy hiểm. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng đèn gắn vào mặt dưới của tủ trên.

Đèn chiếu sáng trong tủ giúp bạn dễ dàng nhìn thấy toàn bộ vật dụng trong tủ của mình. Bạn cũng có thể tạo điểm nhấn cho nhà bếp, chẳng hạn sử dụng một đèn thả trần mang tính nghệ thuật làm cho gian bếp sang trọng hơn.


Trong ảnh bạn có thể thấy 1 dãy các ổ cắm chạy dọc quanh bàn bếp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các thiết bị điện.

Thiếu ổ cắm và công tắc điện hoặc vị trí đặt chúng không hợp lí.

Thông thường, bạn không nhận ra sự bất hợp lí của ổ cắm và công tắc cho tới khi nhà bếp hoàn thành và đi vào sử dụng.

Mỗi người sử dụng nhà bếp của mình theo cách khác nhau và nhà thiết kế của bạn nên tính đến nhu cầu của bạn khi xác định vị trí các thiết bị điện dùng trong nhà bếp. Vì vậy, đừng ngại truyền đạt mong muốn của bạn. Nếu bạn muốn các ổ cắm được bổ sung thêm so với thiết kế tiêu chuẩn, hoặc đôi khi chỉ là màu sắc ổ cắm và công tắc khác đi chứ không phải màu trắng tiêu chuẩn, điều này cần được trao đổi luôn trong quá trình lên kế hoạch thiết kế.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc bố trí các ổ cắm điện phải tuân theo các quy định về an toàn. Nhà thiết kế của bạn sẽ có thể tư vấn cho bạn về những quy tắc này trong giai đoạn lập kế hoạch.


Ngăn chứa thùng rác cần phù hợp với số lượng người sinh hoạt trong gia đình, nên có thùng rác tái chế.

Không thiết kế chỗ để thùng rác hoặc kích thước ngăn chứa rác không phù hợp.

Không gian thùng rác phù hợp với nhu cầu của gia đình là điều thường bị bỏ qua trong khi thiết kế tủ bếp.

Thường thì một thùng rác nằm gọn trong tủ bếp dưới để nó tăng tính thẩm mỹ và sạch sẽ của nhà bếp (và cũng có tác dụng hạn chế mùi). Nhưng thực tế hay gặp phải là thùng chứa rác quá nhỏ và nhanh bị đầy, nhiều khi chưa hết ngày bạn đã phải đổ rác. Hoặc một vấn đề phổ biến khác là không có thùng trữ rác tái chế.

Như với nhiều vấn đề thiết kế khác được đề cập ở đây, vấn đề này thường xảy ra do nhà thiết kế không hiểu yêu cầu của chủ nhà, không nắm bắt số lượng người trong nhà, tần suất nấu ăn, phong cách nấu ăn của họ.

Một lưu ý khác nữa là ngăn đựng rác nên riêng biệt (như hình), và phần đáy ngăn đựng rác phải có bề mặt đễ lau rửa, làm sạch.


Hãy cho chúng tôi biết: Bạn đã trải qua những vấn đề nào trong quá trình sử dụng nhà bếp của mình? Hãy để lại bình luận của bạn nhé. Cảm ơn bạn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT

Recent Comments

error: Content is protected !!